Bệnh Lý Thường Gặp Ở Họng Và Cách Phòng Tránh

Chia sẻ

Cung cấp những thông tin về các bệnh lý về họng thường gặp và cách phòng tránh như: viêm VA, viêm họng, viêm Amidan, viêm họng hạt, ung thư vòm họng.

Viêm họng bệnh lý rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ em

Khi gặp các bệnh lý về họng người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp cũng như công việc hàng ngày. Vì vậy, biết được những bệnh lý thường gặp về họng lúc chuyển mùa để có biện pháp phòng tránh kịp thời. 

5 bệnh lý về họng thường gặp và cách phòng tránh 

Họng là nơi tiếp xúc đầu tiên với các yếu tố môi trường như không khí, khói bụi, các loại thực phẩm, các yếu tố dị nguyên… nên rất dễ tổn thương. Dưới đây là 5 bệnh lý về họng thường gặp (ở cả người lớn và trẻ nhỏ) và cách phòng tránh..

1. Viêm họng

Đây là bệnh lý về họng rất phổ biến, đặc biệt hay xảy ra ở trẻ em. Bệnh thường do vi rút, vi khuẩn gây ra, nếu để lâu ngày không chữa trị thì nó có thể có những biến chứng rất nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Viêm họng cấp tính

Là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với viêm VA, viêm Amidan, viêm mũi, viêm xoang… hoặc trong các bệnh nhiễm khuẩn lây của đường hô hấp trên như cúm, sởi…

Triệu chứng điển hình của viêm họng cấp tính:

– Sốt vừa 38 – 39°C hoặc sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn.

– Đau họng nhất là khi nuốt, kể cả khi nuốt chất lỏng. Khi nuốt, ho, nói thì đau nhói lên tai.

– Có thể ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy.

Viêm họng mạn tính

Là tình trạng viêm họng kéo dài không được điều trị dứt điểm. Viêm họng mạn tính xuất hiện do viêm mũi xoang mạn tính, viêm amidan mạn tính, do tiếp xúc với khói bụi độc hại,…

Khi mắc viêm họng mạn tính, người bệnh sẽ thấy:

– Khô họng, nóng trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng trong họng

– Cổ họng nhiều đờm

– Ho nhiều vào ban đêm, nhất là khi lạnh

– Nuốt vướng

– Tiếng nói khàn

Cách phòng tránh 

– Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: ăn uống đủ chất, tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá…

– Sống, làm việc trong môi trường trong sạch, ít khói bụi

– Vệ sinh răng miệng tốt

– Điều trị triệt để bệnh viêm xoang, viêm mũi, viêm amidan…

– Giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh.

2. Viêm họng hạt

Hình ảnh viêm họng hạt

Viêm họng hạt là sự tiến triển của viêm họng mạn tính, tức là do họng bị viêm nhiễm tái diễn nhiều lần khiến các thể lympho trong họng và amidan phì đại, kích ứng, phát triển thành dạng hạt, có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt.

Một số biểu hiện của bệnh viêm họng hạt như:

– Ngứa họng, vướng họng, hay phải khạc nhổ kèm theo là phản xạ ho. Có thể ho húng hắng hay ho từng cơn

– Bệnh nhân cố ho khạc, tằng hắng để làm long đờm

– Bên cạnh cảm giác nuốt vướng là nuốt đau

– Có cảm giác nóng cay trong họng kèm theo ngứa, ho cơn

– Tiếng nói có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Hay buồn nôn và có nhiều phản xạ họng.

– Những bệnh nhân uống rượu, hút thuốc lá hoặc nói nhiều thì triệu chứng trên lại tăng thêm.

Cách phòng tránh

– Vệ sinh răng miệng tốt sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

– Trẻ em cần được vệ sinh họng ngay từ khi con nhỏ

– Khi mắc bệnh về như viêm họng, viêm VA, viêm Amidan cần được điều trị dứt điểm tránh để bệnh chuyển thành mạn tính.

– Tránh hít phải những khói khí độc của các nhà máy, hầm lò, phòng thí nghiệm có nhiều hóa chất

– Vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát

– Không nên hút thuốc vì hút thuốc ngoài việc gây viêm họng còn có nguy cơ gây nhiều bệnh khác

3. Viêm VA

VA là một tổ chức lympho nằm ở vòm họng, là một phần thuộc vòng bạch huyết Waldeyer. VA phát triển mạnh ở lứa tuổi nhỏ và bắt đầu thoái triển từ 5-6 tuổi trở đi.

Viêm VA cấp tính 

Viêm VA cấp tính là viêm nhiễm cấp tính, xuất tiết hoặc có mủ ở VA ngay từ nhỏ, cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn (nhưng rất hiếm).

– Bắt đầu thấy trẻ thở to khi ngủ kèm theo chảy nước mũi, hơi thở hôi.

– Sau vài ngày trẻ sốt 38 – 40°C.

– Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, kém ăn, nôn trớ.

– Chảy nước mũi lúc đầu dịch trong sau thành màu vàng xanh.

Viêm VA mạn tính 

– Viêm VA mạn tính là tình trạng VA quá phát hoặc xơ hoá sau viêm nhiễm cấp tính nhiều lần.

– Ngạt mũi thường xuyên, ngày càng tăng.

– Chảy dịch ra cửa mũi trước.

– Trẻ hay ho và sốt vặt, do mũi chảy xuống họng và mủ đọng ở hốc mũi.

– Trẻ biểu hiện ngủ không yên giấc, ngáy to, giật mình.

– Tai nghễnh ngãng và cũng dễ bị viêm.

– Cơ thể trẻ chậm phát triển so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống ít biết ngon. Người gầy hoặc béo bệu, nước da trắng bệch.

Cách phòng tránh 

– Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, sử dụng các thuốc bổ, thuốc tăng cường miễn dịch đối với các cháu có sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng.

– Phòng tránh lây lan tốt trong các vụ dịch lây truyền theo đường hô hấp, vệ sinh mũi họng, răng miệng tốt.

– Giữ ấm khi thời tiết thay đổi.

– có viêm nhiễm mũi họng, cần điều trị đúng và kịp thời.

4. Viêm Amidan

Viêm Amidan là nhóm bệnh hay gặp, đứng hàng đầu trong những bệnh lý về họng. Bệnh tiến triển có thể cấp tính hay mạn tính. Viêm Amiđan rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm.

Viêm Amidan cấp tính 

Viêm amidan cấp là viêm nhiễm của Amidan khẩu cái do Virus hoặc vi khuẩn. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 5 – 15 tuổi.

Triệu chứng của viêm Amidan cấp tính thường là:

– Bắt đầu đột ngột với cảm giác rét hoặc rét run rồi sốt 38 – 39°C.

– Người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, nước tiểu ít và sẫm màu, đại tiện thường táo.

– Cảm giác khô, rát, nóng ở trong họng, nhất là thành bên họng vị trí Amidan, mấy giờ sau biến thành đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên rõ rệt khi nuốt, khi ho.

– Trẻ thở khò khè, ngủ ngáy to, nói giọng mũi

– Viêm nhiễm có thể lan xuống thanh quản, khí quản gây nên ho từng cơn, đau và có đờm nhầy, giọng khàn nhẹ.

Viêm Amidan mạn tính

Viêm amidan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần của Amidan khẩu cái. Viêm Amidan mạn tính xuất hiện nếu viêm cấp không được điều trị đúng, kháng sinh không đủ liều, không đúng cách.

– Triệu chứng nghèo nàn. Có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát hoặc hồi viêm có triệu chứng giống như viêm Amidan cấp tính.

– Đôi khi có toàn trạng gầy yếu, da xanh, sờ lạnh, ngây ngấy sốt về chiều.

– Thường có cảm giác nuốt vướng ở họng đôi khi có cảm giác đau như có dị vật trong họng, đau lan lên tai.

– Hơi thở thường xuyên hôi mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên.

– Thỉnh thoảng có ho và khàn tiếng, trẻ em có thở khò khè, ngủ ngáy to.

Cách phòng tránh 

– Giữ vệ sinh môi trường sống, đặc biệt những người có sức đề kháng kém, có cơ địa dị ứng. Có biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân tốt khi có những vụ dịch liên quan đến dường hô hấp, khi thời tiết giao mùa…

– Điều trị triệt để các bệnh lý mũi họng khác như viêm VA, viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm răng miệng…

– Luyện tập thể dục, thể thao, sử dụng các thuốc bổ tăng cường sức đề kháng của bản thân

5. Ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng – phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi. Ðây là loại ung thư thường gặp hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và đứng thứ 4 trong các loại ung thư nói chung.

Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, những thức ăn lên men là yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Ngoài ra, ung thư vòm họng còn xuất hiện do nhiễm Virus EBV lây lan qua đường nước bọt và chất tiết nhầy đường sinh dục.

Ung thư vòm họng thường được phát hiện muộn do bệnh tiến triển âm thầm và các triệu chứng thường không đặc thù dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

– Biểu hiện ở mũi: ngạt tắc mũi, chảy mủ mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi.

– Biểu hiện ở tai: đau tai, ù tai, chóng mặt, nghe kém, có thể chảy mủ tai.

– Biểu hiện ở mắt: lác mắt, lồi mắt, sụp mi, giảm thị lực…

– Hạch cổ: dấu hiệu thường gặp, gặp ở 60-90% các trường hợp.

Ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân khác thường gặp như: đau đầu nhiều, sụt cân nhanh, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân…

Giai đoạn đầu của bệnh ung thư vòm họng 

Cách phòng tránh

– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ làm việc sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức khỏe.

– Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu chất kích thích, hạn chế ăn các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối…

– Điều trị sớm những viêm nhiễm ở đường mũi họng.

– Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng như đau đầu kéo dài, xì máu mũi, ù tai, hạch cổ to… 

Nguồn: PyLoRa.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.